Adobe Không Ngừng Nghỉ Để Xây Dựng Photosop
Adobe Không Ngừng Nghỉ Để Xây Dựng Photosop
Trong những năm qua, Photoshop đã thay đổi và dần trở thành một phần mềm có nhiều tính năng rất hữu ích. Nó cũng là một ứng dụng chỉnh sửa ảnh và thiết kế đồ họa mạnh mẽ được rất nhiều người trên khắp thế giới tin dùng. Càng ngày Photoshop càng mang trong mình nhiều tính năng mới hấp dẫn và thú vị, hiệu năng thì được nâng cao hơn (ít ra là về mặt lý thuyết). Tuy nhiên, nếu như bạn là một trong những người dùng đã gắn kết với Photoshop từ những phiên bản trước, chắc hẳn bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi này còn đi kèm theo những thứ khó chịu. Vậy những điểm khó chịu đó từ đâu ra, và Photoshop đã liên tục được xây dựng lại như thế nào? Chúng ta hãy cùng theo chân phóng viên The Verge đến gặp những người chịu trách nhiệm trong việc tạo ra Photoshop để tìm hiểu về chuyện này.
Một thành phố cho tất cả mọi người
Adobe Photoshop Không Ngừng Xây Dựng. |
Photoshop được phát triển ở San Jose, cách Thung lũng Silicon khoảng nửa giờ đi đường. Adobe đặt nhân viên của mình vào trong ba tòa nhà có chiều cao tương đối để họ làm việc. Nơi đây còn có một sân bóng rổ, một phòng tập thể dục và một quầy ăn tự chọn đẹp mắt, nơi hầu hết mọi vật đều được đem đi tái chế để bảo vệ môi trường. Nhiều nhân viên Adobe mà phóng viên The Verge đã gặp đều là những người khéo ăn nói và rất thông minh.
Một trong những người đó là Russell Williams, nhà khoa học trưởng của Adobe và cũng kiến trúc sư trưởng của Photoshop. Vai trò của ông là giữa cho phần mềm này liên quan đến những gì người ta cần ở nó. Vào những năm 90, ông làm cho Apple về mảng Mac OS, sau đó ông đầu quân cho Adobe cách đây 15 năm, chỉ một thời gian ngắn sau khi Steve Jobs quay lại Apple. Phóng viên Paul Miller mô tả Williams đeo một cặp kính lớn làm cho mắt của ông trông có vẻ to lên, và ông đã nói một cách hứng thú về các ý tưởng lớn nhỏ. Cách nói của ông hay đến mức Miller suýt nữa thì hỏi Williams rằng liệu ông có muốn trở thành bạn thận của Miller hay không.
Nói về việc xây dựng Photoshop sao cho hài lòng mọi người, Williams nói: "Người ta nói rằng bỏ hết những thứ tôi không dùng đi, rồi đặt những thứ tôi dùng lên giao diện. Và vấn đề ở đây là gì? Mỗi người có một ý tưởng khác nhau về những thứ nên đặt lên". Ngoài ra, người dùng đã và đang tìm ra những cách sử dụng Photoshop mà ngay cả Adobe cũng không thể ngờ tới. "Mọi người sử dụng toolbox của app và sử dụng các công cụ này theo những cách rất lạ kì". Adobe không thể ép mọi người phải dùng sản phẩm của mình theo một (hoặc một số) phương pháp nhất định. Nếu bạn coi Photoshop là một thành phố thì cũng đúng lắm, mọi người có cách riêng của mình để đi xuyên qua cái thành phố này.
Thomas Knoll bắt đầu viết ra Photoshop vào năm 1987. Đây là dự án chỉ có duy nhất một người làm mãi cho đến khi app được ra mắt ba năm sau đó. Tất cả mọi thứ, từ những thao tác chỉnh sửa ảnh cho đến việc bố cục chữ, từ các thành phần giao diện mà nhìn vào thấy ngay cho đến những thuật toán sâu bên trong Photoshop đều do một mình Knoll tạo nên. Cũng cần phải nói thêm là ông cũng có nhận được sự giúp đỡ từ người anh John Knoll, một kĩ sư chuyên về hiệu ứng hình ảnh. Cuối cùng, Thomas Knoll đã cho ra được một sản phẩm chỉnh sửa ảnh chạy trên một chiếc Mac có CPU 8MHz, RAM 2MB và cả ứng dụng này chỉ gói gọn trong một chiếc đĩa mềm.
Photoshop là một kì công về kĩ thuật kể từ những ngày đầu nó được xây dựng. Ý định ban đầu của tác giả, lúc Photoshop còn được gọi là "Display", đó là tạo ra một trình xem ảnh với độ phân giải giống như những gì có thể in được trên một chiếc máy Mac. Trước đó, để xem những hình ảnh độ phân giải cao cần thì cần phải có một chiếc máy tính đắt tiền với RAM lớn.
Tuy nhiên, Knoll không dừng bước ở đây. Anh nghĩ ra cách chuyển đổi các hình ảnh đó bằng cách đối xử chúng như là những "cấu trúc toán học". Chính suy nghĩ này để giúp tạo ra các công cụ như Clone (sao chép), Wand Selection (lựa chọn vùng một cách thông tin), và thậm chí là cả các bộ lọc dạng (filter) plug-in. Photoshop 1.0, về lý thuyết, có thể mở được tấm ảnh có dung lượng tầm 10-15MB (thời đó, dung lượng này lớn lắm) và bắt đầu việc xử lí. Khi áp dụng một filter, máy tính sẽ chạy khoảng 10 phút, việc lưu ảnh cũng tốn lắm thời gian, thao tác undo cũng lâu đến nỗi mỗi quyết định áp lên ảnh đều phải chính xác. Mặc dù vậy, Knoll vẫn đã tạo ra một nền tảng gần như hoàn hảo những tính năng mà Photoshop có thể và sẽ phải làm được.
Thiết kế ban đầu
Thiết Kế Ban Đầu Của Adobe Photoshop |
Photoshop 1.0 là sản phảm tiêu biểu cho thời đại của nó. Nền tảng mà Knoll tạo ra đã phát triển để hỗ trợ những chức năng mà bản thân Knoll không bao giờ có thể tưởng tượng ra, các tính năng thì ngày càng phát triển hơn, nhóm của Knoll cũng có nhiều nhân viên hơn. Photoshop đã chuyển mình từ một công cụ hỗ trợ nhiếp ảnh trở thành một phần mềm thiết kế đồ họa cực kì mạnh mẽ. Và khi một bản chuyển thể dành cho Windows là điều bắt buộc, mọi thứ bắt đầu trở nên rối rắm.
Như đã nói ở trên, chúng ta tạm xem Photoshop trong bài viết này là một thành phố. Ở đâu đó trong thành phố này, nơi những người vô gia cư lạc loài giữa một đô thị lớn, có một bộ khung nho nhỏ gọi là "MacApp". Nó là dấu vết còn sót lại của phiên bản Photoshop đầu tiên, một mảnh vỡ của nền tảng Photoshop. MacApp là nền tảng hướng đối tượng cho phép Photoshop giao tiếp với hệ điều hành bên dưới, lúc bấy giờ chính là Mac OS 6.0.3. Vào năm 2001, Apple đã từ bỏ bộ khung MacApp, nhưng Adobe thì không. MacApp bị kẹt lại ở một vài điểm trong bộ lòng của Photoshop như là một "lớp keo" (glue layer, một điểm tham chiếu giúp mã lập trình có thể chạy được trên nhiều nền tảng khác nhau). Hiện tại thì không nhiều kĩ sư viết mã để giao tiếp với hệ điều hành, họ chỉ làm việc với "mã Photoshop" và hầu hết những tính năng đều độc lập với hệ điều hành.
Tuy nhiên, Russell Williams, vị kiến trúc sư trưởng mà chúng ta đã có dịp gặp ở trên, vẫn còn phải đối mặt với MacApp trong đợt chuyển đổi mới đây sang nền tảng Cocoa. Cocoa là một bộ khung lập trình bao gồm các thư viện, hàm API và môi trường chạy dành cho ứng dụng OS X. Hàng triệu dòng mã lệnh của Photoshop đã phải viết lại, và có thời điểm toàn bộ nhóm Photoshop đã cùng tham gia vào dự án chuyển đổi này. Đây cũng là một phần khác trong công việc của Russell: quản lí tính kế thừa của Photoshop, tức đảm bảo rằng các dòng mã lệnh cũ còn sót lại của những bản Photoshop trước phải chạy tốt, trong khi vẫn đảm bảo xây dựng tương lai cho ứng dụng.
Về cá nhân Knoll, hiện nay ông chủ yếu xử lí ảnh bằng Lightroom, và nó cũng là dự án mà ông đang làm việc. Ông không còn lưu luyến "cái thành phố" cũ của mình nữa. Ông nói: "Máy tính đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tôi làm Photoshop 1.0", và nếu Photoshop là một thành phố thì Lightroom là một lô đất sạch sẽ, sẵn sàng để xây dựng nên các kiến trúc cần thiết cho người dùng của ngày hôm nay.
Tái xây dựng
Adobe Photoshop Không Ngừng Bổ Xung Những Chức Năng Mới |
Đã có một thời gian dài nhiều người thắc mắc vì sao Adobe không làm lại Photoshop từ đầu? Trong những năm gần đây, Adobe liên tục bổ sung những chức năng mới vào phần mềm của mình, thậm chí là những tinh chỉnh về mặt hiệu năng như tăng tốc bằng GPU, tuy nhiên cả phần mềm Photoshop đã quá cũ kĩ và có cảm giác như nó sắp sập đến nơi. Những phiên bản mới của Photoshop (mới nhất là CS6) có khả năng tận dụng được sức mạnh của những hệ điều hành và máy tính thời hiện đại, tuy nhiên chúng lại cho cảm giác chậm chạp hơn so với một số phần mềm mới khác có tuổi đời nhỏ hơn. Liệu một đợt làm mới có giúp Photoshop trông khác đi so với những năm 1990, và trông "giống" hơn so với những ứng dụng của năm 2013?
Điều đó sẽ không xảy ra đâu các bạn à.
Theo lời Bryan O'Neil Hughes, một quản lí sản phẩm của Adobe, "nó sẽ không cách gì giống với Photoshop hiện nay nếu như bạn bắt đầu lại từ đầu. Giống như một thành phố, nó (Photoshop) có những tính cách riêng". Do đó, một bản Photoshop hoàn toàn mới sẽ không còn là... Photoshop. "Nếu bạn muốn làm tất cả mọi thứ Photoshop có thể làm được, bạn sẽ phải làm theo cùng cách của Photoshop". Ngoài ra, việc viết lại cả một chương trình độ sộ như thế này sẽ mất cả thập kỉ, cộng với đó là nguy cơ bị lỗi cực kì cao nên một "Photoshop mới" sẽ không thể nào được hoàn thiện.
Chúng ta có thể lấy một ví dụ cụ thể cho việc này, đó là Final Cut X của Apple. Đây là một ứng dụng làm phim chuyên nghiệp được viết lại từ Final Cut Pro và hiện nay nhiều khách hàng đã chuyển sang sử dụng của các đối thủ khác. Lý do không phải vì tính năng của Final Cut X thua kém những đối thủ khác, nhưng người tiêu dùng họ vẫn thích những gì quen thuộc, những gì đã gắn bó với họ trong thời gian dài. Hoặc như đợt làm mới iTunes 11, thậm chí là cả Facebook cũng y như vậy (bạn hãy nhớ lại khoản thời gian mà mọi người tìm cách gỡ bỏ giao diện Timeline để giữ lại giao diện Wall cũ, đấy là minh chứng khá rõ cho việc người tiêu dùng không thích sự thay đổi quá nhiều). Cũng như Final Cut X, không phải giao diện mới của iTunes, Facebook xấu hơn, mà ngược lại nó còn tốt hơn đấy chứ. Chỉ có một điều là nó khác so với các phiên bản trước, và người dùng thì lười học lại cách sử dụng mà họ đã được tiếp thu nhiều năm trước.
Vậy chúng ta không thể làm mới Photoshop, nhưng liệu ta có thể viết lại nó không? Thomas Knoll nói "cơ bản là chúng tôi đã làm điều đó, nhưng kết quả thì rất là khác", và sản phẩm "viết lại" này chính là Lightroom. Tác giả của Photoshop bắt đầu làm việc trên dự án Lightroom cách đây khoảng 10 năm khi đang trong kì nghỉ của mình. Ông cảm thấy định dạng ảnh từ chiếc camera của mình phiền quá, do đó ông quyết định "đảo ngược" nó. Kỹ nghệ đảo ngược hay công nghệ đảo ngược - reverse engineering - là quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một thứ gì đó thông qua việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó. Trong quá trình này, người ta thường phải tháo dỡ đối tượng thành từng phần và phân tích chi tiết hoạt động của nó, thường là với mục đích xây dựng một thiết bị hoặc phần mềm mới hoạt động giống hệt nhưng không sao chép bất cứ thứ gì từ đối tượng nguyên bản.
Kết quả của sự "đảo ngược" trên: plug-in Camera RAW dành cho Photoshop ra đời. Hiện nay, Camera RAW hỗ trợ tập tin RAW của hàng trăm máy ảnh khác nhau và hầu hết đều được xây dựng dựa trên kĩ thuật đảo ngược của Adobe. Trong quá trình phát triển, Camera RAW đã sở hữu riêng một bộ dựng hình độc lập với Photoshop và nó chính là thứ được dùng trong Lightroom.
Giao diện của Camera RAW
Knoll nói thêm rằng việc viết mã để thay đổi hình ảnh là một việc "rất vui" và "kì diệu". Ông không ngại nói rằng nhiều thuật toán xử lí của Camera RAW, ví dụ như Highlights hay Shadows, giờ đây đã vượt trội hơn cùng tính năng đó trong Photoshop. Knoll hiện đang phát triển một phương thức mới để tạo ảnh HDR tốt hơn, tinh vi hơn trước đây.
Tuy nhiên, cả Lightroom và Camera RAW đều không tránh khỏi "sự tàn phá của thời gian". Knoll giải thích: "Khi một người dùng thực hiện thao tác chỉnh sửa ảnh, nó (Lightroom hoặc Camera RAW) không thực sự lưu những pixel đã được chỉnh sửa. Nó chỉ lưu những thay đổi mà người dùng đã áp dụng". Điều đó có nghĩa là Lightroom phải theo dõi sát từng phiên bản đã chỉnh sửa của ảnh, và nếu như trong vòng 5 năm tới, người dùng mở bức ảnh đó ra bằng một Lightroom hoàn toàn mới, nó phải trông giống hệt như bây giờ.
Photoshop cũng gặp vấn đề tương tự với các script do người dùng tạo ra. Những hành động đã được ghi lại phải chạy tốt trên các phiên bản Photoshop trong tương lai, điều đó có nghĩa là nếu một tính năng cũ bị bỏ đi thì script xem như hỏng bét. Quay trở lại sự so sánh với một thành phố, những tính năng này giống như các tòa nhà bỏ hoang mà bạn không thể phá bởi vì bạn chẳng biết được ai có thể còn đang sử dụng chúng.
Lịch sử các phiên bản và năm ra đời của Photoshop |
Tương lai
Jeff Chien là lãnh đạo của nhóm "Tech Transfer" chuyên đảm trách việc chuyển đổi các tính năng từ phòng thí nghiệm của Adobe sang sản phẩm thực tế. Nếu bạn muốn tìm một người để nói lời cảm ơn về tính năng Content Aware Fill, Chien chính là người đó. Và nếu bạn muốn tìm ai đó để than phiền về các tính năng "cùi bắp" của Photoshop thì cũng hãy gặp Chiên.
Vị lãnh đạo này đã nghe nhiều lời than phiền về những tính năng không tốt cũng như sự chậm chạp của Photoshop. "Chúng tôi có thể làm cho Photoshop chạy siêu nhanh, giống với phiên bản 4 hoặc 5, tuy nhiên trong tương lai chúng tôi muốn làm những thứ thông minh hơn". Chien nói "Làm cho công cụ Clone trở nên nhanh hơn bằng cách chạy nó trong một phần của bộ nhớ, tất nhiên là khi bạn có nhiều, sẽ không giúp ích được cho ai cả".
Photoshop không bao giờ nói "không" với một tính năng mới, và điều đó là nó trở nên thật sự mạnh mẽ. Ví dụ, Adobe đã thành lập hồ sơ màu và dữ liệu về sự biến dạng ảnh của hàng trăm máy ảnh cũng như ống kính, với mỗi bộ "máy ảnh-ống kính" hãng cũng đã chụp hàng trăm tấm ảnh mẫu. Đây là một công tác cực kì tốn kém, hao phí nhân lực, và nghe cũng có vẻ quá viễn vông. Tuy nhiên, Camera RAW đã sử dụng những thông số thu thập được từ công việc cực nhọc này để sửa lại hiện tượng quang sai cho ảnh, ngay cả khi người dùng chụp bằng nhiều tổ hợp lens-body. Một số nhà nghiên cứu cũng đã tận dụng dữ liệu đó để thiết kế nên một tính năng trong Photoshop CS6 cho phép người dùng cân chỉnh lại ảnh được chụp từ các ống kính góc siêu rộng.
Mục đích cao cả nhất của Adobe là cung cấp cho Photoshop một cái nhìn cụ thể. Phần mềm này phải đơn giản lựa chọn đối tượng trong ảnh theo cách mà người dùng thấy chúng, ví dụ như "một cái cây", "cái đầu", "quả bóng", không phải là "khối màu số một", "khối màu số hai". Sau đó, Photoshop cũng phải thực thi tất cả những gì mà người dùng muốn với đối tượng đã chọn hệt như những gì diễn ra trong thực tế. "Cái nhìn" này còn có nghĩa là Photoshop phải biết được khi nào bạn đang làm việc trên một bức ảnh gia đình, khi nào thì đang thiết kế logo, từ đó tinh chỉnh lại kĩ thuật xử lí màu cho phù hợp.
Jeff Chien cũng có tham vọng dạy cho Photoshop nhận biết về người dùng, nói cách khác, những gì mà Chien đang làm đó là phát triển một trí tuệ nhân tạo. Đây là một ý tưởng hoàn toàn bất ngờ của Adobe bởi vì những thứ tương tự như thế thường xuất phát từ các công ty công nghệ trẻ như Google, không phải từ một nhà phát triển phần mềm vốn có tính năng chính chỉ là hiển thị ảnh lên màn hình trắng đen của máy Mac. Nhưng thực tế thì đây chính là những gì mà Photoshop đang làm. Tùy thuộc vào cách suy nghĩ mà bạn có thể thấy đây là một điều tuyệt vời hoặc tồi tệ.
Thành phố ở trên mây
Kể từ ngày đầu tiên làm ra Photoshop, (những) lập trình viên đã xác định rằng mình đang làm app cho số đông, không phải cho một cá nhân nào sử dụng. Thậm chí Adobe còn có một luật tuyển dụng như thế: nếu có ai đó nói mình là một "chuyên gia" về Photoshop, kì phỏng vấn sẽ bị ngừng lại ngay lập tức. Photoshop quá rộng lớn để có thể trở thành một chuyên gia. Chỉ những người đặc biệt mới có thể đào sâu vào Photoshop, và những người đặc biệt như thế sẽ vứt hết mọi tính năng mà họ không cần trong bản Photoshop cài trên máy tính của mình. Ngay cả Thomas Knoll còn nói rằng ông "chả biết gì" về những tính năng 3D có mặt trong những phiên bản mới của Photoshop. "Tôi thậm chí còn không biết làm thế nào để sử dụng chúng". Ông cũng không phải là fan hôm mộ của công cụ soạn thảo trong Photoshop.
Vậy nói tóm lại, Photoshop CS6 không phải chỉ dành cho Thomas Knoll, nó không chỉ dành cho mình, và cũng không dành cho cụ thể bất kì một ai. Nó chỉ đơn giản là dành cho tất cả mọi người. Từ những người chụp ảnh nghiệp dư, các nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, những người "tải" Photoshop thông qua torrent hay học sinh, sinh viên đều quan tâm đến Photoshop. Lý do? Bởi vì chỉ có Photoshop mới "photoshop" được tác phẩm của bạn.
No comments